Lượt xem: 3335

Thực trạng người chưa thành niên phạm tội trong các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người được cải thiện và nâng cao. Khoa học phát triển, kèm theo là sự phát triển về công nghệ thông tin, giúp cho việc tiếp cận thông tin và hoạt động giao tiếp của con người trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những trang mạng chính thống với nhiều thông tin hữu ích thì đã có rất nhiều những trang mạng “đen” có những hình ảnh, nội dung phản cảm mà khi xem xong có thể dẫn đến những hành vi và suy nghĩ sai lệch.

 


Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên

 

    Đối với người chưa thành niên, đây là độ tuổi đang được giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm, sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

    Trong những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Sóc Trăng đã cử người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng) tham gia bào chữa miễn phí cho rất nhiều đối tượng thuộc diện được TGPL là người chưa thành niên.

    Theo thống kê từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện bào chữa miễn phí cho 109 vụ án liên quan đến đối tượng được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi với các tội phạm như: Trộm cắp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, tàng trữ trái phép chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông đường bộ, mua bán trái phép chất ma túy…

    Chúng ta thấy rằng, do chưa đủ 18 tuổi nên các đối tượng này đều chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình, do đó dễ bị chi phối bởi các tác động bên ngoài, dễ bị rủ rê, lôi kéo và thực hiện các hành vi sai trái một cách thiếu suy nghĩ. Đa phần khi thực hiện hành vi phạm tội thì họ đều chủ quan hoặc không xác định được hành vi ấy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, yếu tố về gia đình và môi trường trường sống cũng tác động rất lớn đến tâm, sinh lý của đối tượng này. Đa phần họ là những người sống trong môi trường không tốt, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, quản lý của cha mẹ. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, thì nên chú ý đến việc tuyên truyền, phổ biến các quy định và nguyên nhân dẫn đến tội phạm đến toàn thể người dân nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng, để họ ý thức hơn trong việc xây dựng môi trường sống và phương thức giáo dục con cái hợp lý, góp phần hình thành cho con một nhân cách tốt và lối sống lành mạnh.

    Cũng chính vì tâm, sinh lý của các đối tượng này còn chưa phát triển hoàn thiện, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, pháp luật nên nhận thức còn hạn chế, vì vậy Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành 01 chương để quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.

    Theo quy định tại chương này, thì việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Trung tâm TGPL 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 7979
  • Trong tuần: 78,686
  • Tất cả: 11,802,006